Dec 3, 2013

Kinh Nghiệm Đầu Tư Chứng Khoán- for me@

Bí quyết chiến thắng trên thị trường chứng khoán VN

Theo ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Chứng khoán Maritimebank, nghiên cứu kỹ lịch sử giao dịch, quy luật tăng giá và đặt ra tiêu chí lựa chọn cổ phiếu tốt có thể giúp nhà đầu tư chiến thắng trên thị trường.
Chứng khoán Việt Nam hoạt động hơn chục năm qua và được coi là non trẻ so với những thị trường phát triển trên thế giới. Đa phần nhà đầu tư chơi cổ phiếu đều chưa trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể vượt qua các biến động trên thị trường và đánh bại chỉ số Vn-Index.
Từ khi thị trường chứng khoán biết đến những con sóng đầu cơ và trải qua cú giảm điểm mạnh, bài học lớn nhà đầu tư thường gặp phải là không biết lựa chọn cổ phiếu hoặc thời điểm mua bán và chiến lược cụ thể. Chơi chứng khoán là một nghệ thuật nơi mọi người kiểm soát tốt tâm lý trong giao dịch cổ phiếu, đồng thời tự rèn luyện mình một phong cách đầu tư chuyên nghiệp, trang bị phương pháp chọn lựa cổ phiếu tốt để có thể thành công trong một môi trường kinh doanh khắc nghiệt.
chung-khoang-9-HH-1939-1385956620.jpg
Chỉ những mã đứng đầu ngành về quy mô và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu mới có nhiều cơ hội tăng giá mạnh. Ảnh: H.H
Đầu những năm 1930 của thế kỷ trước, một chuyên gia phân tích chứng khoán trẻ tuổi có tên Benjamin Graham sau nhiều năm nghiên cứu đã phát hiện một quy luật. Đó là nhiều cổ phiếu tốt sau một thời gian bị ảnh hưởng tâm lý thất thường từ thị trường sẽ bị bán tháo đến khi thị giá rất rẻ. Khi đó, nhà đầu tư chỉ việc mua vào và nắm giữ một thời gian để giá quay lại mốc cao hơn và thu lời lớn.
Tuy nhiên, vị tỷ phú nổi tiếng Warren Buffet lại không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này và đã chứng minh không phải cổ phiếu nào bị định giá thấp cũng quay lại mức giá ban đầu. Chỉ những cổ phiếu tốt, có lợi thế cạnh tranh đặc biệt và lợi nhuận tăng trưởng bền vững mới tăng trở lại và thị giá vượt lên các tầm cao mới. Ngược lại, việc chọn nhầm cổ phiếu sẽ vô cùng tệ hại, không kể đến những cổ phiếu tiếp tục giảm giá sâu. Khi nhà đầu tư ghi nhận những khoản lỗ lớn, nhiều mã bị chọn nhầm hầu như không biến động nhiều về giá, xu thế đi ngang trong thời gian dài gây mất nhiều chi phí cơ hội và chôn vốn.
Vậy những cổ phiếu sẵn sàng tăng điểm trở lại khi thị trường hồi phục là những mã nào? Qua thống kê các con sóng chứng khoán từ năm 2009 đến nay, nhiều cổ phiếu đã tăng giá rất tốt ngay từ khi bắt đầu niêm yết. Những mã này đều có đặc điểm chung để trở thành cổ phiếu chất lượng cao mà rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bỏ lỡ.
Thứ nhất, cổ phiếu tốt phải là những mã đứng đầu ngành đặc thù hoặc cơ bản, hoạt động đơn ngành, cung cấp sản phẩm dịch vụ ưu việt hơn các đối thủ khác và có quy mô hoạt động như doanh thu, lợi nhuận bền vững trong các năm. Thứ hai, đây là nhóm thường có biến động về giá lớn trong một khoảng thời gian dài và là những cổ phiếu midcap tăng trưởng.
Các mã midcap tăng trưởng có thể là cổ phiếu chu kỳ với quy mô vốn hóa trung bình, sản phẩm và dịch vụ đặc biệt mà các đối thủ khác không có. Hoạt động kiểu “một mình một chợ” thường có ưu thế lớn vì không có đối thủ trong phân khúc sản phẩm của mình. Ngoài việc định nghĩa thế nào là cổ phiếu tốt, chúng ta cần có bộ lọc cổ phiếu để sớm tìm ra các mã chất lượng cao trước khi ghi nhận những bước tiến lớn lớn về giá. Câu hỏi tiếp theo đặt ra là những cổ phiếu siêu hạng thường xuất hiện ở hoàn cảnh nào và với đặc điểm gì ?
Ý tưởng về bộ lọc cổ phiếu đầu tiên được phát triển bởi một trong những chuyên gia đầu cơ cổ phiếu nổi tiếng nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ những năm 80–90, William O’Neil. Hệ thống lọc cổ phiếu CANSLIM của ông dường như thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư tài chính không chỉ trên toàn thế giới mà cả ở Việt Nam. Việc áp dụng các tiêu chí trong bộ lọc này vào môi trường kinh doanh cổ phiếu tại Việt Nam về cơ bản là ổn định nhưng vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, các tiêu chí cụ thể dưới đây sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn khi nào và loại cổ phiếu gì mua là thích hợp.
Hệ thống lọc cổ phiếu của William O’Neil có cụm từ gồm 8 chữ cái và một chữ số viết tắt của 9 tiêu chí lọc cổ phiếu quan trọng, ghép lại thành MS1 CHOICE. Trong đó:
M – MARKET có nghĩa xu hướng thị trường. Nhà đầu tư nên chọn mua cổ phiếu khi thị trường đang có những diễn biến tích cực, xu hướng tăng đang có dấu hiệu xảy ra. Đôi khi nhà đầu tư cũng có thể mua cổ phiếu khi thị trường đang diễn biến ảm đạm hoặc tạo đáy trũng để tích lũy.
S – SUPPLY đề cập đến cung cầu cổ phiếu. Những mã có bất ngờ giao dịch sôi động hoặc khối lượng khớp lệnh tăng đột biến kèm trị giá lớn là những cổ phiếu có nhiều cơ hội tăng giá. Cổ phiếu có xu hướng tăng điểm mạnh hầu như không thể thiếu những phiên giao dịch bùng nổ.
1 – Số 1 là đứng vị trí đầu tiên một trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh hoặc sản phẩm duy nhất mà không có đối thủ. Đây là tiêu chí lựa chọn khá quan trọng khi chúng ta tìm kiếm những siêu cổ phiếu. Chỉ những mã đứng đầu ngành về quy mô và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu mới có nhiều cơ hội tăng giá mạnh. Những cổ phiếu có sản phẩm đặc biệt được người tiêu dùng săn đón cũng có thể hứa hẹn tương lai sáng và cơ hội tăng điểm nhiều lần theo thời gian.
C – CURRENT PROFIT. Trong đó, cổ phiếu của doanh nghiệp nào có lợi nhuận hiện tại và lãi dự báo trong tương lai tốt thì nhà đầu tư cần nắm giữ.
H – HISTORY. Thông thường những cổ phiếu có lịch sử giao dịch với giá tăng mạnh thường thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Dòng tiền đầu cơ có nhiều cơ hội tăng điểm cũng như giao dịch sôi động trong tương lai. Đôi khi lịch sử đôi cũng thường lặp lại trên thị trường cổ phiếu.
O – ORGANIZATION liên quan đến nội bộ doanh nghiệp. Trong đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp có ban lãnh đạo tâm huyết, tài năng sẽ đem lại cho công ty những khoản lãi lớn. Doanh nghiệp cũng hoạt động và phát triển hiệu quả hơn các đơn vị khác, đồng thời tạo cảm giác yên tâm cho nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu đó.
I – INSTITUTIONAL đề cập đến cổ đông chiến lược đang sở hữu cổ phần trong công ty. Theo đó, doanh nghiệp tốt thường có những cổ đông là các tổ chức tài chính lớn, quỹ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân đôi khi không cần quá tìm hiểu về doanh nghiệp trong khi có các tổ chức chuyên nghiệp sở hữu nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
C – CANDLESTICK là biểu đồ hình nến, được xem như một trong những công cụ đánh giá giao dịch ngắn hạn dựa trên yếu tố kỹ thuật cũng như các mẫu hình tăng, giảm giá. Một cổ phiếu trước khi tăng điểm mạnh sẽ phải trải qua một mẫu hình tăng giá đặc biệt. Nếu không, giá của cổ phiếu đó sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí trong xu hướng giảm.
E – EVALUATION là yếu tố lưu ý nhà đầu tư hiểu giá trị cổ phiếu. Xác định giá trị thông qua giá trị sổ sách doanh nghiệp là tiêu chí rất quan trọng trong hoạt động đầu tư. Những cổ phiếu tốt đôi lúc bị thị trường định giá thấp lại có biên độ an toàn lớn. Biên độ an toàn được tính bằng khoảng cách giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường. Theo đó, biên độ này càng cao, việc đầu tư càng an toàn.
Đối với những nhà đầu tư nghiệp dư hoặc mới gia nhập thị trường, việc chọn nhầm cổ phiếu là điều hay xẩy ra và đôi khi khiến họ phải trả giá đắt cho những bài học kinh nghiệm đó. Đầu tư thông minh ngay từ đầu vào những cổ phiếu tốt là điều mọi nhà đầu tư nên làm. Chính bản thân mỗi nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình mọi kiến thức chứng khoán và nhất là hệ thống lọc cổ phiếu tốt để có thể tránh rủi ro và tìm ra những siêu cổ phiếu trong tương lai.
TS Lê Đức Khánh
Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime Bank

Dec 1, 2013

Securities Market for me@ Nhận diện cổ phiếu bị “làm giá”

Thị trường chứng khoán giao dịch sôi động, thông tin kinh tế vĩ mô có nhiều nét tích cực là cơ hội lớn cho các “đội lái”. Giám đốc môi giới một CTCK lớn nhận định: Từ nay đến cuối năm là thời điểm các cổ phiếu “bị làm giá” hoạt động mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), công tác giám sát TTCK nói chung được thực hiện ngày càng chặt chẽ. Chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, UBCKNN đã tiến hành phân tích 70 mã chứng khoán có giao dịch bất thường và đã chuyển sang bộ phận thanh tra để xử lý một số trường hợp.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, UBCKNN cũng mới chỉ xử phạt 6 vụ “thao túng” giá chứng khoán, với tổng số tiền phạt là 1,58 tỷ đồng. Các mã chứng khoán bị “làm giá” là BGM, SPI, CVN, HLG, CLG, TLH. Tuy nhiên, một nửa trong số đó là các vụ làm giá đã diễn ra khá lâu trong giai đoạn 2011-2012.
Trao đổi với Người Đồng Hành, một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết: Các thủ đoạn làm giá vẫn theo các bước truyền thống là gom một lượng cổ phiếu đủ lớn, kiểm soát được các cổ đông lớn trong việc cam kết không bán ra, kết hợp với nhiều CTCK để được “vay margin” cho các cổ phiếu trong diện làm giá. Các đội lái sẽ điều phối thời gian đưa thông tin “tốt” của doanh nghiệp kết hợp với lượng cung cầu lớn để tạo thanh khoản đẩy giá chứng khoán lên một mặt bằng giá cao so với giá trị thật. Tiếp sau đó là quá trình xả hàng dần dần cũng được diễn ra với lượng thanh khoản lớn, nhằm lôi kéo lượng cầu thật trong giai đoạn này tham gia để “đội lái” có thể thoát hàng dần dần.
Điểm khác biệt so với giai đoạn trước là các CTCK hiện nay đã “tỉnh táo” hơn trong việc cung cấp margin cho những cổ phiếu không có nền tảng tốt. Do đó, các đội lái phải sử dụng nguồn tiền thật của mình nhiều hơn. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu hiện tại ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn thị trường tăng nóng trước đây nên vẫn còn nhiều “đất” để các đội lái “điều binh khiển tướng”.
Đáng chú ý, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều hơn những cổ phiếu được chính các doanh nghiệp chủ động “làm giá”. Cụ thể là ban lãnh đạo doanh nghiệp kết hợp với đội lái chủ động nâng giá cổ phiếu. Nếu có sự hậu thuẫn về nguồn cổ phiếu từ phía doanh nghiệp, đội lái không còn phải vất vả trong việc “gom hàng”, dễ dàng kiểm soát thông tin từ doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường. So với mức xử phạt vài trăm triệu đồng, thì mức lợi nhuận thu được từ việc làm giá chứng khoán lớn hơn rất nhiều.
Các cổ phiếu bị làm giá thường có xu hướng lặp lại kịch bản làm giá. Bởi trong những lần làm giá như thế sẽ xuất hiện những nhà đầu tư bị “kẹt hàng”. Trong nhiều trường hợp, chính họ sẽ phát động một đợt làm giá mới, đẩy giá cố phiếu để có thể “thoát hàng”, nhà môi giới trên chia sẻ.
Theo giới trong nghề, mặc dù các cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát những giao dịch bất thường, nhưng vẫn còn bỏ lọt rất nhiều “tay lái” chứng khoán. Bởi các đội lái chuyên nghiệp hiện nay đã tinh vi hơn rất nhiều, họ có thể mở nhiều tài khoản khác nhau ở nhiều CTCK, đồng thời mua bán nhiều cổ phiếu khác nhau trên cùng một tài khoản thay vì chỉ mua bán một cổ phiếu như trước đây.
Quá trình đẩy giá cũng không còn lộ liễu như trước. Thay vì đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần liên tục, đội lái có thể kéo dài thời gian đẩy giá hơn, giữ cho đồ thị giá cổ phiếu có tăng có giảm, thậm chí tính toán điều phối cung cầu để làm “chệch hướng” các công cụ phân tích kỹ thuật.
Cổ phiếu bị làm giá: Tránh xa hay “ăn theo”?
Mục tiêu của đội lái là làm thế nào đẩy giá cổ phiếu lên cao, thu hút được càng nhiều người hưởng ứng “lên tàu” để có thể dễ dàng thoát hàng và thu lợi. Do đó, các đội lái sẽ sử dụng rất nhiều chiêu trò để lôi kéo những nhà đầu tư “nhẹ dạ cả tin” đi theo. Đây sẽ là những nạn nhân của đội lái khi mua vào cổ phiếu ở giá cao và bị “kẹt hàng” khi giá cổ phiếu rớt thê thảm.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, và thậm chí ngay chính các thành viên trong đội lái cũng “kẹt hàng” khi “đu tàu” theo đội lái.
Nguyên nhân bởi nhà đầu tư dù dày dặn kinh nghiệm đến đâu cũng khó có thể “đọc” hết được “kịch bản” làm giá của đội lái. Thành viên đội lái thì lại ở trường hợp khác khi những cam kết tham gia “làm giá” cổ phiếu ban đầu không phải lúc nào cũng được mọi thành viên tuân thủ. Và khi đó thì người “phá cam kết” sẽ là người chủ động với tài sản của mình.
“Để tránh mua phải cổ phiếu bị làm giá, điều quan trọng nhất là chế ngự lòng tham!”, giám đốc một CTCK lớn chia sẻ. Theo vị lãnh đạo này, bất cứ nhà đầu tư nào tham gia trên thị trường chứng khoán đều có “lòng tham”, quan trọng là phải biết chế ngự nó như thế nào và tuân thủ đúng nguyên tắc đầu tư
Bởi lẽ, nếu không tham và đủ cẩn trọng, thì nhà đầu tư sẽ nhận ra được cổ phiếu nào khả năng đang bị làm giá. Khi xác định đầu tư một cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần phân tích các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, đồng thời, phải xác định được mức giá, P/E hợp lý của cổ phiếu đó. Như vậy, nhà đầu tư sẽ tránh được rủi ro mua phải những cổ phiếu bị “làm giá”, mua vào ở mức giá “trên trời” vượt xa giá trị thực tế của nó.
Một môi giới nhiều kinh nghiệm chia sẻ: Thực tế có rất nhiều nhà đầu tư lại thích đầu tư mạo hiểm, đua lệnh theo các đội lái. Tuy nhiên, mức độ thành công là không nhiều mà hậu quả có thể gánh chịu là rất lớn, rủi ro cao. Các nhà đầu tư chạy theo phân tích kỹ thuật cũng rất hay “dính” phải bẫy của đội lái.
Bởi các đội lái rất ưa thích lợi dụng các công thức, mô hình của phân tích kỹ thuật để “vẽ đồ thị” cho các cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thấy giá cổ phiếu sụt giảm mạnh vài phiên, rồi thấy lượng cung giảm dần, lượng cầu tăng, giá cổ phiếu thoát sàn, cứ nghĩ là giá đã chạm đáy và đua lệnh để “bắt đáy”. Đây chính là lúc các đội lái “ung dung” thoát hàng.
Không khó để nhận ra cổ phiếu bị làm giá, chỉ cần chịu khó tìm hiểu thông tin, tìm hiểu và phân tích các yếu tố cơ bản. Một thông tin dù tốt đến đâu, cũng chỉ tác động làm tăng giá cổ phiếu trong một biên độ nhất định 10-20%, chứ không thể tăng phi mã. Các cổ phiếu làm giá thường là các cổ phiếu có lượng cổ đông ít và cơ cấu cổ đông lớn chi phối, lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ít. Những cổ phiếu mới lên sàn, chưa được nhiều người biết đến nhưng có khối lượng giao dịch lớn cũng dễ là đối tượng bị làm giá.
Mỗi nhà đầu tư có một trường phái đầu tư khác nhau, điều quan trọng nhất là phải tỉnh táo, tránh mắc bẫy thị trường. Nếu lỡ sai lầm thì phải thực hiện đúng kỷ luật, cắt lỗ đúng mức đã đề ra. “Trong 10 cơ hội đầu tư, chỉ cần thành công 7 lần cũng đã là chiến thắng thị trường” là kinh nghiệm đúc kết của của một chuyên gia chứng khoán dành cho những người mới gia nhập thị trường.
Theo An Nhiên